HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM (VAFIW)

TRUNG TÂM ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ KHỞI NGHIỆP (COSTAS)

Bài viết mới

Hội thảo Nga-Việt về thúc đẩy phụ nữ tham gia lĩnh vực khoa học công nghệ

Tại Hội thảo trực tuyến ‘Thúc đẩy vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong Khoa học công nghệ’ do TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Ủy ban đối ngoại thành phố Xanh Pê-téc-bua (Liên bang Nga) tổ chức chiều 27/3/2025, các đại biểu đã trao đổi thông tin, kinh nghiệm, gợi mở thêm những sáng kiến mới, giải pháp hiệu quả góp phần thúc đẩy phụ nữ hai nước tham gia lĩnh vực khoa học công nghệ.

Về phía Việt Nam tham dự Hội thảo có Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại diện phía Nga có ông  quyền Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thành phố Saint Petersburg Vyacheslav Kalganov.

Ngoài ra còn có đại diện Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam cùng gần 90 đại biểu là đại diện các nhà khoa học nữ, giảng viên và sinh viên hai nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vyacheslav Kalganov,  quyền Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thành phố Saint Petersburg cho biết trong truyền thống ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đóng vai trò rất lớn trong việc kết nối giữa hai quốc gia.

Tại Nga hiện nay, các nhà khoa học nữ đạt được những thành công rất đáng kể trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau như khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn, cũng như trong lĩnh vực phát triển kỹ thuật và công nghệ. Mặc dù vậy trong cộng đồng khoa học Nga vẫn tồn tại sự mất cân bằng giới tính đáng kể.

Để cải thiện tình hình này, Chính phủ Nga đang xem xét một loạt vấn đề thời sự liên quan đến phụ nữ làm khoa học như tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo cơ hội nghề nghiệp cho các nhà khoa học nữ không bị gián đoạn khi sinh con và nuôi con, hỗ trợ phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cao tại các ngành công nghiệp quan trọng, vai trò của phụ nữ trong phát triển khoa học và giáo dục ở địa phương, quảng bá thành tựu của các nhà khoa học nữ và nâng cao sự hấp dẫn của sự nghiệp khoa học.

Ông Kalganov đánh giá Việt Nam luôn kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đi cùng với đó là những nỗ lực không ngừng để thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển đội ngũ nhà khoa học nữ. Đội ngũ nữ khoa học, nữ trí thức Việt Nam đã từng bước trưởng thành và khẳng định vai trò quan trọng của mình, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Trong bối cảnh đó, ông nhấn mạnh ý nghĩa của hội thảo trong thúc đẩy tiến trình chung của phụ nữ hai nước tham gia vào khoa học, tạo cơ hội trao đổi kinh nghiệm về vấn đề này, đồng thời tăng cường giao lưu phụ nữ và nhân dân hai nước, góp phần thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị.

Về phần mình, Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho biết trên thế giới, trong đó có Nga và Việt Nam đã có nhiều nhà khoa học nữ nổi tiếng tài năng, với những nghiên cứu và đóng góp làm thay đổi lịch sử nhân loại, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Hiện nay, Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì vậy, việc phát triển khoa học công nghệ càng trở nên cần thiết.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Song hành với đó là Luật Bình đẳng giới, Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nữ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học nữ tiếp tục theo đuổi đam mê, nghiên cứu khoa học cống hiến cho công cuộc xây dựng và phát triển bền vững của đất nước.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, với tư cách là tổ chức chính trị-xã hội đại diện cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có những hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ các lực lượng phụ nữ tham gia khoa học, công nghệ như: thúc đẩy việc thành lập Hội Nữ trí thức Việt Nam (năm 2011); ban hành Nghị quyết về hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030, trong đó có khoa học, công nghệ (năm 2021); triển khai các chương trình, đề án, các giải thưởng, cuộc thi nhằm khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tham gia hiệu quả vào kinh tế số, xã hội số, nổi bật là Giải thưởng Kovalevskaia.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều tham luận về những thành tựu của phụ nữ hai nước trong khoa học, trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng ngoại giao nhân dân góp phần thúc đẩy vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến hy vọng thông qua Hội thảo, hai tổ chức sẽ trao đổi thông tin, kinh nghiệm, gợi mở thêm những sáng kiến mới, giải pháp hiệu quả góp phần thúc đẩy phụ nữ hai nước tham gia vào lĩnh vực khoa học công nghệ, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức và phụ nữ hai nước trong lĩnh vực này.

Đại diện Hội LHPN Việt Nam, bà Phạm Thị Hương Giang, Chánh Văn phòng TƯ Hội, chia sẻ những hoạt động thiết thực của Hội LHPN Việt Nam nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Theo đó, Hội LHPN Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo trong hệ thống Hội nhằm thúc đẩy việc tham gia chuyển đổi số như: Chiến lược phát triển Tổ chức Hội LHPN Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định “lấy việc ứng dụng công nghệ làm cơ sở, điều kiện, tiền đề để Hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022- 2027, đã đề ra 2 khâu đột phá, trong đó khâu đột phá thứ nhất là về “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin”. Trong phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ đã đề ra “Chương trình hỗ trợ 1 triệu phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận Chính phủ số”; “Thí điểm các hình thức thu hút, tập hợp phụ nữ trên không gian mạng Internet”; “Vận hành đồng bộ trong toàn quốc phần mềm quản lý hội viên”; “Hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các dịch vụ công trên nền tảng công nghệ số”; “100% cơ sở Hội được trang bị máy tính và cán bộ Hội cơ sở sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản phục vụ công tác Hội”.

Bà Phạm Thị Hương Giang cũng cho biết thêm, Hội LHPN các cấp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ Hội và hội viên, phụ nữ về vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Đến nay, Hội LHPN các tỉnh/thành phố đã mở gần 100 chuyên mục, chuyên đề, diễn đàn về chuyển đổi số và nâng cao năng lực số cho hội viên, phụ nữ; triển khai hàng trăm lớp tập huấn, khóa đào tạo về kỹ năng số cho hơn 1 triệu phụ nữ về chuyển đổi số; các kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, quản lý và sử dụng chữ ký số…; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động Hội; Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ; Tham gia thúc đẩy phụ nữ trong nghiên cứu khoa học và công nghệ…

Theo bà Phạm Thị Hương Giang, sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào khoa học, công nghệ và chuyển đổi số không chỉ là vấn đề bình đẳng giới mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục tham mưu các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia chủ động, tích cực trong ứng dụng khoa học, công nghệ.

Chia sẻ thêm tại hội thảo, từ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học lâu năm, bà Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp, Hội Nữ trí thức Việt Nam, cho rằng, để có thể thúc đẩy phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học công nghệ, cần có các chính sách tăng cường đầu tư cho giáo dục – đào tạo, bồi dưỡng và tạo ra đội ngũ nữ khoa học chất lượng cao.

Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách phù hợp cho các sinh viên nữ vào các khoa đang khuyến khích phát triển như: ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin,vật lý, toán học…Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cũng cần có những quy định phù hợp hơn để nhiều phụ nữ chủ trì các đề tài/dự án khoa học công nghệ; khuyến khích các nhà khoa học nữ khởi nghiệp bằng kết quả nghiên cứu khoa học của chính mình; khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp bằng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ; triển khai các hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; thiết lập Mạng lưới nữ khoa học thành đạt làm chuyên gia tư vấn cho phụ nữ và trẻ em gái lựa chọn nhiều hơn vào các ngành STEM.

Bà Lê Thị Khánh Vân đề xuất trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam và Ủy ban đối ngoại thành phố Xanh Pê-téc-bua cần nghiên cứu và triển khai các hoạt động nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của phụ nữ trong STEM thông qua các khóa đào tạo, hội thảo công nghệ, nghiên cứu chung; trao đổi nữ chuyên gia công nghệ giữa 2 nước; thúc đẩy thương mại hóa kết quả R&D thông qua Triển lãm công nghệ, Ngày hội STEM, diễn đàn công nghệ, hội nghị Kết nối các nhà khoa học… Đặc biệt, việc thiết Mạng lưới phụ nữ khoa học và công nghệ và chia sẻ cơ sở dữ liệu về công nghệ cao sẽ là một trong những nền tảng vững chắc để thu hút phụ nữ và trẻ em gái trong lĩnh vực này.

Đồng quan điểm với đại diện Hội Nữ trí thức Việt Nam, bà Margarita Mudrak, Chủ tịch Hiệp hội hợp tác quốc tế (Liên bang Nga), chia sẻ, thông qua dự án trực tuyến quốc tế, tổ chức này đã kết nối phụ nữ từ nhiều quốc gia qua các cuộc thảo luận trực tuyến về các vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển các thành phần khoa học và công nghệ hiện đại. Bà Margarita Mudrak cho rằng cần tích cực tuyên truyền vai trò của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực thông qua các phương tiện truyền thông và công nghệ thông tin hiện đại.

Trong đề xuất hợp tác khoa học và công nghệ giữa Liên bang Nga và Việt Nam, bà Margarita Mudrak nhấn mạnh các tổ chức nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà khoa học có thể quan tâm đến các lĩnh vực như: Năng lượng hạt nhân, công nghệ vũ trụ, y tế và công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Hai bên cũng có thể nghiên cứu tổ chức các chương trình trại hè cho các học sinh học chuyên ngành khoa học và công nghệ tại các trường đại học của Xanh pê-téc-bua.

Để đạt được những mục tiêu đó, bà Margarita Mudrak đưa ra khuyến nghị cần tăng cường số lượng các chương trình nghiên cứu nghiên cứu chung có sự tham gia của phụ nữ, phát triển các chương trình cố vấn cho các nhà khoa học trẻ, tạo ra nhiều cơ hội hơn để công bố các phát triển phát triển mới. Hai bên cần khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các chương trình trao đổi giữa các công ty Nga và Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, kỹ thuật cũng như cần có sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia về tâm lý, pháp lý để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ khi tham gia vào lĩnh vực này.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam, đánh giá cao các tham luận và ý kiến mà đại biểu hai nước đã chia sẻ. Hội thảo đã truyền tải thông điệp chung đó là bình đẳng giới trong khoa học, công nghệ là yếu tố không thể thiếu để phát triển bền vững và thúc đẩy tiến trình tham gia vào lĩnh vực khoa học công nghệ của phụ nữ và trẻ em gái là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và Liên bang Nga. Hội thảo hôm nay cũng gợi mở tiềm năng hợp tác giữa phụ nữ và nhân dân hai nước vì bình đẳng giới và phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy quan hệ truyền thống hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga.

“Cần ghi nhận và tạo cơ hội, điều kiện để tăng cường sự tiếp cận, tham gia và đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước. Để phụ nữ có thể tham gia hiệu quả vào tiến trình này, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân người phụ nữ, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội” – Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo nhấn mạnh.

Hai bên cũng nhất trí sẽ phối hợp tổ chức các chương trình trao đổi, hội thảo và diễn đàn trực tuyến và online để thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của phụ nữ vào khoa học, đề ra các nhiệm vụ cụ thể để phát triển giới khoa học hai nước./.

    Nguồn: Phụ nữ Việt Nam và Tạp chí Phụ nữ Mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giỏ hàng
Lên đầu trang

Đăng ký đặt mua

091 359 7827